Vừa qua, Quốc Hội thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV với nội dung quan trọng là thực hiện giảm 2% thuế suất đến hết năm 2023. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, chính sách sẽ tác động tích cực đến nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, đồng thời tạo đà phát triển cho các doanh nghiệp hiện nay. Hãy cùng Thiết kế web tại Cần Thơ tìm hiểu bài viết sau đây nha!
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 44/2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đối với nhiều mặt hàng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Điều này sẽ làm giảm giá sản phẩm, dịch vụ được bán ra thị trường, kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường sản xuất kinh doanh.
Trong đó, một số mặt hàng không được giảm thuế bao gồm: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu với hàng hóa không thiết yếu khiến sức mua giảm sâu đồng loạt từ 30 – 40% đối với từng loại mặt hàng khác nhau, việc điều chỉnh thuế VAT một lần nữa khôi phục bức tranh thị trường đầy sôi động. Cụ thể, ngay khi chính sách giảm thuế vừa có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã triển khai hàng loạt các chương trình tiếp thị để kích thích sức mua của người tiêu dùng.
Theo thông tin của Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), đơn vị này đã triển khai giảm giá cho hàng loạt các sản phẩm tại 800 điểm bán khác nhau trên cả nước. Trong đó, 5 ngành hàng thực phẩm, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, đồ dùng gia đình, thời trang may mặc đều có mức giảm giá trung bình từ 22-62%, cộng thêm giảm 2% giá thuế VAT. Ông Nguyễn Ngọc Thắng – Giám đốc chuỗi Co.op cũng nhìn nhận “Đây là kế hoạch thiết thực hưởng ứng chủ trương hỗ trợ phục hồi và phát triển nhanh chóng hoạt động kinh doanh sản xuất.”
Cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng với giá giảm mạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản Vissan – Ông Phan Văn Dũng cũng chia sẻ: “Với chương trình giảm thuế của Chính phủ cộng với những chương trình khuyến mãi mà chúng tôi đang triển khai, Vissan kỳ vọng doanh thu 6 tháng cuối năm sẽ tăng 10-15%”.
Không chỉ ở các doanh nghiệp lớn, trung tâm thương mại hay siêu thị mà nhiều nhà bán lẻ cũng tiến hành điều chỉnh giá bán để gỡ rối cho hoạt động kinh doanh đang sụt giảm. Theo ghi nhận tại một số quán cà phê tại Hồ Chí Minh, nhiều khách hàng đều ngạc nhiên khi giá hóa đơn đều thấp hơn vài nghìn đến vài chục nghìn so với giá niêm yết của cửa hàng. Nhiều chủ kinh doanh cũng vui mừng cho biết, họ sẽ hoàn thiện các phần mềm quản lý và thanh toán để áp dụng mức thuế mới trong thời gian sớm nhất.
Có thể xem thuế VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng và các doanh nghiệp chỉ thu hộ số tiền này cho Nhà Nước. Do đó, với việc giảm thuế lên đến 2% chắc chắn sẽ khiến sức mua tăng trở lại. Rõ nhất là từ đầu tháng 7 đến nay, sức mua đã tăng đáng kể với mức tăng trung bình từ 10-15% so với cùng kỳ năm trước – Theo ghi nhận tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn như MM Mega Market,, BigC, Co.opmart, Satra, Aeon,…
Ở các chợ đầu mối lớn tại TP.HCM như Bình Điền, Hóc Môn, Tân Bình, Thủ Đức, hàng hóa cập nhật mỗi ngày đều khá dồi dào, nhất là trái cây, rau củ quả các loại với mức giá khá thấp giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ khá ổn định và có sự tăng trưởng nhẹ. Trường hợp này cũng tương tự như đối với các chợ truyền thống trên cùng địa bàn.
Đánh giá tác động của việc giảm thuế đến sức mua, Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhấn mạnh “Ngành công thương kỳ vọng việc giảm thuế VAT từ đầu tháng 7, cùng với hàng loạt giải pháp kích cầu mua sắm đang diễn ra trên địa bàn TPHCM, sẽ giúp khách hàng chi tiêu nhiều hơn, vực dậy nền kinh tế TPHCM nói riêng, cả nước nói chung”
Liên quan đến giải pháp tiếp sức tăng trưởng cho nền kinh tế, Ông Nguyễn Anh Đức – chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết: “Chính sách giảm thuế VAT là giải pháp kịp thời để khơi thông tiêu dùng. Tuy nhiên, để kích thích sức mua lâu dài, các doanh nghiệp, nhà bán lẻ cần phải triển khai các chương trình khuyến mãi sâu hơn bởi một hai điểm bán rất khó để tạo nên sự hưởng ứng.”
Sức mua đã bắt nhịp trở lại tuy chưa tăng đột biến nhưng đã thu hút được người tiêu dùng quay trở lại. Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức các chuỗi sự kiện kích cầu thương mại, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn toàn quốc nhằm đẩy mạnh hoạt động bán lẻ trong các tháng cuối năm.
Cùng với những lợi ích do chính sách giảm thuế mang lại, các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ cũng đang gặp nhiều vấn đề khó khăn trong việc triển khai giảm thuế đồng loạt tại các chi nhánh khác nhau, ảnh hưởng đến mạng lưới phân phối, quy trình bán hàng, quản lý hóa đơn và thanh toán. Bên cạnh đó, việc kiểm soát các hoạt động khuyến mãi, giảm giá trên diện rộng cũng là bài toán làm đau đầu các nhà quản trị, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ dễ dẫn đến tình trạng gián đoạn kinh doanh trên toàn bộ hệ thống.
Nguồn bài viết: Tổng hợp