Ba sai lầm trong chiến lược thương hiệu cá nhân

Thương hiệu vẫn là khái niệm mơ hồ ở Việt Nam và việc phạm nhiều sai lầm khi xây dựng chiến lược thương hiệu cá nhân cũng không quá khó hiểu. Trong quá trình xây dựng thương hiệu cho các đối tác doanh nghiệp, chúng tôi luôn nhất quán với quan điểm cho rằng thế giới thương hiệu thì không có đúng và cũng chẳng có sai, chỉ có phù hợp với nhau hay không mà thôi.

Đội ngũ xây dựng thương hiệu và đối tác doanh nghiệp không cần đến với nhau vì quen biết, vì giá trị hợp đồng hay vì cảm xúc tích cực nhất thời, mà chỉ cần cảm nhận được sự phù hợp là đã tiến gần hơn đến quyết định hợp tác.

Đối tác doanh nghiệp khi xây dựng chiến lược thương hiệu cũng vậy. Đôi khi thời gian thực hiện, chi phí đầu tư hay nguồn lực đội ngũ không phải những yếu tố quan trọng hàng đầu. Yếu tố quan trọng nhất phải là mức độ phù hợp của một chiến lược với định hướng, văn hoá và hệ giá trị mà đội ngũ thương hiệu theo đuổi.

Steve Jobs là một trong những bài học về chiến lược thương hiệu cá nhân

Steve Jobs là một trong những bài học về chiến lược thương hiệu cá nhân

Tương tự với trường hợp xây dựng chiến lược thương hiệu cá nhân, vốn không có nhiều khác biệt về mặt bản chất khi so sánh với một chiến lược thương hiệu doanh nghiệp.

Nếu chiến lược thương hiệu doanh nghiệp phải phù hợp với định hướng, văn hoá và hệ giá trị thương hiệu theo đuổi, thì chiến lược thương hiệu cá nhân cũng phải phù hợp với tầm nhìn, tính cách và chuỗi giá trị tích cực mà bản thân người đó tạo dựng.

Muốn có sự phù hợp giữa thương hiệu cá nhân với bản thân góc nhìn, suy nghĩ cũng như hệ giá trị của mỗi người thì trước hết cần hiểu đúng về khái niệm thương hiệu. Bởi khi đó từng hành động, cử chỉ hay lời nói của mỗi người mới đồng điệu với kế hoạch xây dựng chiến lược thương hiệu.

Đáng tiếc khi thương hiệu vẫn là khái niệm còn tương đối mơ hồ ở Việt Nam, không có suy nghĩ đúng hay sai về thương hiệu, chỉ có những nhận định chưa đầy đủ về nhận dạng cũng như tầm quan trọng của khái niệm này. Dẫn đến nhiều sai lầm trong chiến lược thương hiệu cá nhân mà  muốn chia sẻ với các bạn ngay phía bên dưới. Cùng  Thiết kế web ở Cần Thơ tìm hiểu bài viết về chủ đề "Ba sai lầm trong chiến lược thương hiệu cá nhân" dưới đây.

Chiến lược thương hiệu cá nhân bắt đầu từ đâu?

Thực tế là khái niệm thương hiệu cá nhân vẫn còn tương đối mới mẻ, đặc biệt là với nhiều cá nhân hay doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng ý thức xây dựng chiến lược thương hiệu cá nhân đã có từ lâu, nhiều khả năng đã được hình thành và phát triển song song với lịch sử phát triển của nhân loại.

Bởi tập tính của loài người là không ngừng cải thiện, mở rộng các kỹ năng của mình từ thiên bẩm cho đến tự rèn luyện. Thể hiện năng lực bản thân và cảm thấy tự hào vì những thành tích mình đạt được cũng là kết quả tự nhiên của quá trình đó.

Thế kỷ 20 là giai đoạn mà giới mộ điệu và đại chúng bắt đầu đề cập, trao đổi với nhau về thương hiệu cá nhân và hành trình xây dựng chiến lược thương hiệu cá nhân. Khái niệm này được nhắc đến lần đầu vào năm 1937 tuy chưa thật sự cụ thể và phân tích chi tiết.

Đó là thời điểm cuốn sách Think and Grow Rich của tác giả Napoleon Hill ra đời, trong chương 6 có đoạn viết như sau: “Thật tuyệt vời khi biết rằng mọi vận may lớn nhất đời người đều bắt đầu từ các dịch vụ mang tính cá nhân, hoặc bắt nguồn từ việc bán đi các ý tưởng tốt.”

Đến năm 1981 trong cuốn sách The Battle for Your Mind, đồng tác giả Al Ries và Jack Trout đã cùng nhắc lại tầm quan trọng của chiến lược thương hiệu cá nhân. Chương 23 của tựa sách này có đoạn viết rằng:

Chiến lược thương hiệu cá nhân bắt đầu từ đâu?

Bạn có thể hưởng lợi từ việc định vị bản thân thật sự khác biệt. Quy tắc là đừng cố gắng làm tốt mọi thứ, chỉ cần chọn con ngựa phù hợp với mình và cưỡi trên lưng nó là xong.

Khái niệm thương hiệu cá nhân chỉ thật sự được đề cập, khẳng định rõ ràng và cụ thể khi xuất hiện trong bài viết của tác giả Tom Peters vào năm 1997, với nhan đề The Brand Called You – Thương Hiệu Đã Vẫy Gọi Bạn.

Tom Peters đã nhắc lại rất nhiều lần khái niệm thương hiệu cá nhân, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của chiến lược thương hiệu cá nhân khi bản thân ông dự đoán rằng, rồi đây chủ nghĩa cá nhân sẽ trở thành đại xu hướng trong cộng đồng người dân.

Ít nhất thì tiên đoán của Tom Peters cũng đúng được một nửa, phần còn lại là sự phát triển rồi bùng nổ của internet và chủ nghĩa dữ liệu là điều chẳng ai có thể lường trước.

Mưu cầu xây dựng thành công hình ảnh hay thương hiệu cá nhân đang “nóng hổi” hơn bao giờ hết. Tham vọng duy trì mức độ nhận diện và tầm ảnh hưởng của thương hiệu cá nhân thậm chí còn lớn hơn thế rất nhiều.

Những sai lầm trong chiến lược thương hiệu cá nhân

Tất nhiên khi một khái niệm hay định hướng nào đó phát triển quá mạnh mẽ, với mức độ ảnh hưởng cao thì sự trào phúng mà nó mang lại cũng kéo theo nhiều hệ luỵ đáng tiếc.

Thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu cá nhân là hai khái niệm độc lập

Cũng như quan điểm cho rằng xây dựng thương hiệu doanh nghiệp thì chỉ cần một cái tên, một thiết kế logo đẹp hoặc một câu tagline thu hút là xong, rất nhiều người đang nhìn nhận khái niệm thương hiệu cá nhân ở một giới hạn còn tương đối hẹp.

Hệ quả là không ít người đang xây dựng chiến lược thương hiệu cá nhân trong vô thức mà không hề hay biết, ở chiều ngược lại cũng có rất nhiều người tự tin tuyên bố rằng mình đang đi đúng hướng trên con đường xây dựng thương hiệu cá nhân. Trong khi chưa có cái nhìn đủ sâu về bản chất của khái niệm này.

Theo cách chúng tôi vẫn luôn định nghĩa, xây dựng thương hiệu cá nhân là tạo ra những giải pháp để một người được những người xung quanh nhìn nhận, suy nghĩ và đánh giá về mình theo cách người đó muốn.

Chiến lược thương hiệu cá nhân vì vậy sẽ là quá trình xác định lợi thế, nguồn lực cũng như các khuyết điểm của bản thân mỗi người.

Từ đó đề ra các phép thử, hay nói đúng hơn là nhiều giải pháp khác nhau nhằm chọn ra giải pháp tối ưu nhất – giúp phát triển nguồn lực sẵn có và khắc phục những nhược điểm còn tồn đọng, trên con đường trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Dĩ nhiên trên chặng đường đó phải chứng kiến một hoặc rất nhiều sai lầm của chúng ta – những người đang có tham vọng khẳng định giá trị của bản thân, thông qua tạo dựng và lan toả các giá trị tốt đẹp mang tính cộng đồng. Sau đây là 3 sai lầm trong chiến lược thương hiệu cá nhân mà  chúng tôi muốn chia sẻ đến tất cả các bạn.

#1. Thương hiệu cá nhân phải có sự hiện diện của chủ thể

Nếu bạn là kiểu người dễ bị thuyết phục với phong cách thiết kế logo mascot – chẳng hạn như logo của gà rán KFC hay khoai tây chiên Pringles, hoặc bạn cảm thấy ấn tượng với những thương hiệu cá nhân kèm theo nhận diện về tên tuổi hay đặc tính của “chủ thể”.

Vậy thì có thể chính bạn cũng sẽ phạm phải sai lầm này, khi xây dựng chiến lượng thương hiệu cá nhân cho riêng mình.

Đó là quan điểm cho rằng thương hiệu cá nhân phải có sự hiện diện của “chủ thể.” Dễ gặp nhất là trong trường hợp các cầu thủ bóng đá nổi tiếng, có thể kể đến như CR7 (Cristiano Ronaldo), M10 (Lionel Messi) hay thậm chí CV9 (Lê Công Vinh) ở Việt Nam.

Sẽ có ý kiến phản biện cho rằng chẳng phải các cầu thủ bóng đá trên thế giới, sau khi thành công và tận dụng tên tuổi cá nhân của mình đã gia tăng thu nhập, cải thiện chính hình ảnh thương hiệu cá nhân lên nhiều lần hay sao?

Thương hiệu cá nhân phải có sự hiện diện của chủ thể

Câu trả lời là đúng, nhưng bản thân các cầu thủ bóng đá nổi tiếng thế giới, đủ sức tận dụng hình ảnh hay tên tuổi của chính mình vì mục đích tăng thu nhập lại không chiếm đa số. Nghĩa là họ không đủ khả năng để đại diện cho thành công của chiến lược thương hiệu cá nhân, thông qua việc lồng ghép hình ảnh của bản thân mình vào trong tính nhận diện.

Chỉ vài cái tên đếm trên đầu ngón tay là quá ít ỏi so với hơn 250 triệu người chơi bóng đá trên toàn cầu – theo một thống kê được đăng tải trên Wikipedia. Đó là còn chưa kể đến việc bản thân Cristiano Ronaldo, Lionel Messi cùng nhiều danh thủ thế giới khác đã có chỗ đứng trên bản đồ bóng đá từ trước.

Sau đó mới bắt tay với các nhãn hàng để thoả thuận về phạm vi ứng dụng chiến lược thương hiệu cá nhân, về bản chất rất hiếm cầu thủ bóng đá nổi tiếng thế giới sở hữu thương hiệu doanh nghiệp thành công – khi chỉ trông chờ vào thương hiệu cá nhân độc lập của mình.

Ngược lại đã có quá nhiều người không thể chạm đến thành công, khi tham vọng kết hợp hình ảnh cá nhân với chiến lược thương hiệu cá nhân dài hạn. Đây cũng là trường hợp thường thấy ở Việt Nam, khi nhiều chủ sáng lập mô hình kinh doanh ẩm thực, dịch vụ có thói quen sử dụng tên riêng của bản thân để đặt tên cho thương hiệu kinh doanh.

Phở Thìn hay Bánh Mì Phượng Hội An cũng giống như Messi hay Ronaldo trong thế giới bóng đá, họ là quá ít ỏi nếu so sánh với tổng số thương hiệu hoạt động trong ngành ẩm thực Việt Nam. Ngược lại đã có quá nhiều bài học thất bại khi cố gắng tận dụng tên tuổi, hình ảnh cá nhân vào việc phát triển các thương hiệu thương mại.

Rủi ro nằm ở chỗ thương hiệu cá nhân của nhà sáng lập vốn chưa quá nổi tiếng, chưa được nhiều người biết đến hoặc thậm chí không ít người sẽ có chút “ác cảm” – nếu chỉ nhìn vào dung mạo, thần sắc và cả ánh mắt trong hình ảnh nhà sáng lập.

#2. Thương hiệu cá nhân là bảo chứng cho thành công của thương hiệu doanh nghiệp

Người ta chỉ thường nhìn vào bề nổi của tảng băng chìm, nhìn thấy những gì rực rỡ nhất của tổng thể vấn đề thay vì soi chiếu từng ngóc ngách để chứng kiến nhiều góc khuất, rủi ro khó tài nào lường trước được.

Thương hiệu cá nhân là bảo chứng cho thành công của thương hiệu doanh nghiệp

Kể từ sau khi Steve Jobs quay lại Apple vào năm 1997, câu chuyện ngày xưa ông bị chính người mình mời về là cựu CEO John Sculley “cho ra rìa” dần chìm vào quên lãng.

Hay câu chuyện về người được mệnh danh là “Steve Jobs phiên bản nữ” – Elizabeth Holmes, nhà đồng sáng lập của startup công nghệ Theranos.

Hào quang quá rực rỡ đến từ việc được định giá hàng tỷ đô chỉ sau 7 năm thành lập, mô hình xét nghiệm và chẩn đoán nhiều căn bệnh cùng lúc chỉ bằng mẫu máu đã khiến nhiều người “mờ mắt”, dẫn đến chuỗi đánh giá có phần chủ quan về tiềm năng của doanh nghiệp này.

Nhưng chỉ từ cuộc điều tra tưởng đâu vô thưởng vô phạt của Wall Street Journal, bí mật “thầm kín” bị đội ngũ Theranos che giấu bấy lâu đã được phanh phui. Trong số hàng ngàn xét nghiệm được Elizabeth Holmes cùng các cộng sự công bố, chỉ một phần rất nhỏ trong đó được thực hiện bằng thiết bị và công nghệ của hãng.

Còn lại là phần lớn các xét nghiệm thực hiện theo giải pháp truyền thống. Nghĩa là với hơn nửa triệu đô huy động được từ nhiều nhà đầu tư, Theranos chỉ đang “bùa xét nghiệm” bằng chính những phương án mà bất cứ người bình thường nào cũng có thể thực hiện – chỉ cần đến bệnh viện hay phòng khám tư nhân là xong.

Theranos

Câu chuyện của Elizabeth Holmes với startup Theranos là bằng chứng cho thấy rằng, chiến lược thương hiệu cá nhân là một hành trình độc lập với chiến lược phát triển thương hiệu doanh nghiệp.

Nói cách khác, chiến lược thương hiệu cá nhân dù có xuất sắc đến mức nào đi chăng nữa, cũng không phải bảo chứng cho thành công (hoặc thất bại) của chiến lược thương hiệu doanh nghiệp. Thậm chí đôi khi còn là vỏ bọc hoàn hảo cho một doanh nghiệp yếu kém, mục rỗng và không đóng góp chút giá trị nào cho con người, cộng đồng hay bản thân lĩnh vực mà mình theo đuổi.

Mùa hè năm 2018 Elizabeth Holmes nhận cáo buộc về các tội lừa dối bác sĩ và nhiều bệnh nhân, lừa đảo nhiều nhà đầu tư, cùng với tội gian lận chứng khoán. Chỉ sau đó hai tháng, Theranos chính thức giải thể sau khi hơn 80 đối tác có ý định mua lại công ty trước đó đều quay lưng.

#3. Chiến lược thương hiệu cá nhân phải tập trung vào quá trình Show Off

Như đã đề cập ở phần đầu bài viết, tự hào và mong muốn thể hiện thành tựu của bản thân là kết quả do quá trình không ngừng rèn luyện, mở rộng nhiều kỹ năng chuyên môn của con người nguyên thuỷ.

Tập tính đó được duy trì cho đến thì hiện tại, thậm chí có cơ hội bộc lộ rõ ràng hơn nhờ sự bùng nổ của internet hay nhiều công cụ mạng xã hội. Từ Facebook, Youtube cho đến Instagram hay Tik Tok, mưu cầu được thể hiện bản thân và nhận lấy sự công nhận từ đám đông đang trở thành một xu thế đại chúng nổi bật.

Từ đây dẫn đến quan điểm không phù hợp trong quá trình xây dựng chiến lược thương hiệu cá nhân, đó là mục đích thể hiện năng lực và vị thế cá nhân luôn nằm ở điểm cuối của quá trình. Nhiều người xây dựng chiến lược thương hiệu cá nhân dần dần không còn chăm chút, đầu tư đến các giá trị nội lực từ bên trong nữa.

Khi đạt đến một vị trí nhất định nào đó, hoặc tự xưng mình ở một vị thế cụ thể chẳng hạn như “chuyên gia, diễn giả, người truyền cảm hứng,…” thì khao khát thể hiện bản thân cũng chạm đến điểm tới hạn.

Ở phía bên kia con dốc là chuỗi ngày chìm sâu trong sự công nhận, ủng hộ và hô hào của đám đông. Quên mất rằng điều gì dễ dàng đạt được thì cũng sẽ nhanh chóng mất đi, nhất là trong trường hợp bản thân người xây dựng chiến lược thương hiệu cá nhân dừng trau dồi, dừng rèn luyện và không còn muốn tiếp nhận bất cứ luồng kiến thức trái chiều nào.

Xây dựng chiến lược thương hiệu cá nhân là quá trình tạo ra nhiều phép thử, những giải pháp phù hợp nhất để phát triển ưu thế bản thân, đồng thời khắc phục nhược điểm còn tồn đọng trên con đường tìm ra phiên bản tốt nhất của chính mình.

Nhiều người lại đang đi ngược dòng trên chặng đường xây dựng chiến lược thương hiệu cá nhân. Họ tìm cách đưa nhược điểm của mình ra phía sau ánh hào quang đang soi chiếu, họ tìm cách phi lý hoá những điều vốn rất dung dị và nên được đặt trong ranh giới bản chất mà chúng nên có.

Nhẹ thì lên tiếng chê bai bằng cấp này là vô dụng, ngành học kia là không có giá trị và khó tìm được việc làm trong tương lai. Nặng hơn thì dẫn lối giới trẻ – mục tiêu chủ yếu của nội dung rác ở trên mạng xã hội vượt qua giới hạn của đời thực và hư ảo, không còn phân biệt nổi giữa hư cấu, hư danh với cuộc sống đời thật.

Từ đó đánh mất đi bản chất tốt đẹp vốn có của chiến lược thương hiệu cá nhân, làm ảnh hưởng trực tiếp đến những người đang không ngừng rèn luyện, trau dồi năng lực từng ngày để xây dựng chiến lược thương hiệu cá nhân vì mục đích cao đẹp.

Xin chân thành cảm ơn.

Nguồn bài viết: Sưu tầm

CÔNG TY CP GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ VIETCORE

Hãy cho chúng tôi biết giải pháp bạn cần hỗ trợ?